Trong 2 ngày 4-5/7, Hội nghị quốc tế về Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử 2018 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thuộc quần thể FLC Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Một cơ hội mới cho ứng dụng công nghệ thông tin phát triển.
Hội nghị có sự tham dự của gần 300 đại biểu trong và ngoài nước đại diện các bộ quản lý viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), thành phố đã triển khai đô thị thông minh, cơ quan chính phủ, nhà quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực đô thị thông minh và chính phủ điện tử.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2009 Việt Nam có hơn 600 đô thị, hiện con số này đã tăng lên trên 800 đô thị.
Phó tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Malcolm Johnson cho hay, hiện nay các thành phố trên khắp Việt Nam đang bắt tay vào cuộc chuyển đổi kỹ thuật số. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã được chọn là một phần của Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Những sáng kiến đô thị thông minh mới này sẽ tạo ra cơ hội, thị trường mới cho ICT.
Tạo hành lang thông thoáng cho việc này, tháng 1/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về ICT trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, gồm một số nguyên tắc chính như: xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; trung lập về ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của các thành phố.
Về triển khai thực tế, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, hướng tới xây dựng tỉnh thông minh; phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đi cùng xu hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Phó tổng Thư ký ITU cũng cho rằng các cơ hội hợp tác quốc tế mới trong vấn đề này sẽ ngày càng rộng mở hơn, do khu vực là nơi có hơn 2,1 tỷ cư dân đô thị, nơi hơn 2/3 dân số sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050.
“Chúng ta đã và sẽ chứng kiến những nỗ lực trong chuyển đổi sang các thành phố thông minh bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngay tại Việt Nam, dữ liệu thời gian thực được thu thập để cung cấp cho hành khách đi xe buýt thông tin về các tuyến đường và thời gian đến, theo dõi chất lượng nước, hay các cấp độ dịch vụ ứng dụng công nghệ cho người dân và các đơn vị công nghiệp. Đây là ví dụ trong hàng trăm ví dụ trên khắp Việt Nam và phần còn lại của thế giới”, ông Malcolm Johnson chia sẻ.