Đánh giá điện thoại cho hay, so với thế hệ Redmi Note 4 cũ, Redmi Note 5 mới của hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi tiếp tục kế thừa những điểm mạnh như dung lượng pin lớn, cấu hình trên giá tốt và đặc biệt đã cải thiện được điểm yếu truyền thống về camera của Xiaomi trên các máy giá rẻ/tầm trung.
Góc công nghệ chia sẻ, Redmi Note 5 chính hãng có 2 phiên bản: bản RAM 3GB/bộ nhớ 32GB được bán độc quyền trên hệ thống FPT Shop với giá 4,79 triệu đồng; và phiên bản RAM 4GB/bộ nhớ trong 64GB sẽ được bán độc quyền trên hệ thống của Thế Giới Di Động với giá 5,69 triệu đồng. Sản phẩm VnReview trải nghiệm trong bài viết này này là phiên bản RAM 3GB/bộ nhớ trong 32GB, màu vàng. Ngoài màu vàng thì điện thoại này còn có 2 lựa chọn màu khác là xanh và đen, sắp tới có thể sẽ có thêm màu đỏ.
Video mở hộp & đánh giá nhanh Xiaomi Redmi Note 5
So sánh cấu hình Redmi Note 5 chính hãng và Redmi Note 5 Pro bản Ấn Độ
Bạn đọc lưu ý có chi tiết dễ nhầm lẫn về tên gọi Redmi Note 5. Bản Redmi Note 5 chính hãng bán ở Việt Nam là phiên bản Redmi Note 5 Trung Quốc, có khác biệt về camera so với phiên bản Redmi Note 5 Pro dành riêng cho thị trường Ấn Độ. Cả hai phiên bản Redmi Note 5 và Note Pro đều dùng camera kép 12+5MP phía sau, song camera 12MP trên Redmi Note 5 chính hãng có khẩu rộng hơn (f/1.9), kích cỡ điểm ảnh lớn hơn (1.4μm) và hỗ trợ lấy nét pha kép. Trong khi đó, camera 12MP phía sau trên bản Redmi Note 5 Pro có khẩu f/2.2, kích cỡ điểm ảnh 1.25μm và chỉ hỗ trợ lấy nét pha thường. Tuy nhiên, camera tự sướng của bản Redmi Note 5 chính hãng lại có độ phân giải thấp hơn bản Ấn Độ, (13MP so với 20MP).
>> Xem thêm: Bối rối quá, Redmi 5 Plus, Redmi Note 5 và Redmi Note 5 Pro có gì khác nhau?
Thiết kế
Redmi Note 5 đã chính thức gia nhập trào lưu màn hình tỷ lệ 18:9. Ở mặt trước, máy đã có màn hình viền mỏng hơn đáng kể so với thế hệ cũ song chưa mỏng được như màn hình của chiếc Mi Mix 2S. Tỷ lệ màn hình/khung máy của điện thoại này là 77,4% so với Redmi Note 4 là 72,7% và Mi Mix 2S là 82%.
Các chi tiết ở mặt trước đều nằm ở phía trên gồm có camera tự sướng, loa thoại, hai cảm biến ánh sáng và tiệm cận lớn hơn thông thường có lẽ để đồng bộ với thiết kế của camera trước và một đèn LED. Còn phần phía dưới không có phím hay nút bấm nào cả, nhìn hơi phí diện tích tương tự như chiếc Nokia 7 Plus. Các phím điều hướng cơ bản (đa nhiệm, home và back) đặt trong màn hình, có thể ẩn đi để chuyển sang sử dụng thao tác cử chỉ kiểu như iPhone X.
Mặt sau trông rất quen thuộc với thân kim loại bo vát, 2 đầu trên và dưới bằng nhựa để thu phát sóng không dây cùng với cảm biến vân tay hình tròn ở giữa mặt lưng. Có thể nói nếu che đi cụm camera kép thì mặt sau của Redmi Note 5 cũng giống với các điện thoại Xiaomi khác. Tuy vậy, cầm máy có cảm nhận bề mặt lưng được xử lý nhám và bám tay hơn so với thế hệ cũ. Màu sắc của hai phần nhựa cũng ăn khớp với màu của phần thân kim loại hơn.
Cụm camera kép được thiết kế dọc và lồi lên giống như iPhone X. Song do cạnh mặt sau của Redmi Note 5 bo vát nên cụm camera này lồi lên nhiều hơn và thô hơn cụm camera kép trên điện thoại của Apple (mặt lưng được thiết kế phẳng). Cụm camera kép lồi như vậy có thể dễ xước nếu không dùng vỏ ốp.
Trên các cạnh, mọi thứ đều giống với các điện thoại Xiaomi khác: có cảm biến hồng ngoại bên cạnh các cổng (micro USB) và phím quen thuộc. Phím âm lượng và phím nguồn được thiết kể nổi và bấm có độ nảy. Hơi đáng tiếc là Xiaomi lại dùng khe cắm thẻ nhớ chung với một khe cắm SIM. Vì vậy, trường hợp bạn dùng hai SIM sẽ không cắm được thẻ nhớ nữa. Máy vẫn tiếp tục dùng cổng Micro USB chứ không phải Type C để truyền dữ liệu và sạc vào với chuẩn sạc nhanh đời cũ Quick Charge 2.0 (5V/2A) dù bản thân chip Snapdragon 636 sử dụng trên máy có hỗ trợ sạc nhanh Quick Charge 4.0.
Hai SIM chuẩn cỡ nhỏ Nano, trong đó 1 SIM dùng chung với khe cắm thẻ nhớ
Xét tổng thể, Redmi Note 5 vẫn mang thiết kế quen thuộc của Xiaomi nhưng được cập nhật màn hình theo trào lưu 18:9, viền mỏng hơn thế hệ cũ. Chất lượng hoàn thiện ở mặt lưng có chút thay đổi bám tay và màu sắc giữa phần nhựa/kim loại ăn khớp hơn. Máy cũng nặng hơn đáng kể so với Redmi Note 4 (181g – 165g) và dài hơn nên dùng một tay sẽ khó với lên nửa phía trên hơn.
Màn hình
Redmi Note 5 có màn hình kích cỡ 5.99 inch, tỷ lệ 18:9, tấm nền IPS LCD độ phân giải Full-HD+ với mật độ điểm ảnh 403 PPI. Các thông số về màn hình đều giống với màn hình của chiếc Redmi 5 Plus gần đây, có lẽ do 2 máy được nhà sản xuất cho dùng chung tấm nền.
Trong trải nghiệm thực tế, màn hình của 2 máy có chất lượng hiển thị tương tự nhau. Ở chế độ mặc định, màu sắc được tái tạo khá chuẩn, độ đen sâu và độ tương phản tốt, độ sáng tối đa ở mức cao, góc nhìn rộng. Khả năng nhìn ngoài trời ở mức tạm ổn, đủ nhìn rõ nội dung trên màn hình nếu trời không quá sáng.
Tương tự như các điện thoại Xiaomi khác, màn hình của Redmi Note 5 được trang bị nhiều tùy chọn màu sắc (ấm áp, tiêu chuẩn hay lạnh) và độ tương phản (tự động, tăng độ tương phản hoặc tiêu chuẩn). Theo mặc định, máy sẽ dùng chế độ màu tiêu chuẩn và độ tương phản tự động điều chỉnh theo ánh sáng môi trường. Bạn có thể chọn chế độ “tăng độ tương phản” nếu muốn màu sắc nịnh mắt hơn, còn chế độ “tiêu chuẩn” sẽ có màu sắc chuẩn hơn nhưng độ sống động cũng kém đi nhiều.
Hiệu năng
Redmi Note 5 là smartphone đầu tiên của Xiaomi dùng vi xử lý mới SoC Snapdragon 636. Đây con là chip có hiệu năng khá tốt với tám lõi CPU, trong đó có 4 lõi hiệu năng cao Cortex-A73 tốc độ 1.8GHz và 4 lõi hiệu năng tiết kiệm điện Cortex-A53 tốc độ 1.6Ghz. Trong lĩnh vực điện thoại, Cortex-A73 đang là lõi di động hiệu năng cao nhất hiện nay, thường chỉ được đưa vào chip xử lý cho những sản phẩm tầm giá cận và cao cấp.
Ngoài CPU, Snapdragon 636 còn tích hợp vi xử lý đồ họa (GPU) Adreno 509, bộ nhớ LDDRAM4 và chip sóng (modem) X12 LTE với tốc độ tải về lên tới 600 Mbps. SoC này vẫn dựa trên tiến trình sản xuất 14nm tương tự Snapdragon 625.
Máy đạt điểm Antutu về hiệu năng tổng thể rất cao
Chiếc Redmi Note 4 năm ngoái dùng Snapdragon 625 là bước lùi về hiệu năng so với chiếc Redmi Note 3 (Snapdragon 650) trước đó. Nhưng với Snapdragon 636, Redmi Note 5 đã gây ấn tượng trở lại về hiệu năng. Ngoài chip, máy có hai lựa chọn bộ nhớ: RAM 3GB/bộ nhớ trong 32GB và RAM 4GB/bộ nhớ trong 64GB.
Bảng so sánh cấu hình Redmi Note 5 và Redmi Note 4
Trên các bài đo hiệu năng bằng phần mềm, Redmi Note 5 (phiên bản RAM 3GB/bộ nhớ trong 32GB) đạt điểm cao hơn nhiều so với các smartphone tầm trung tầm giá 4-6 triệu đồng sử dụng các vi xử lý Snapdragon 625, Helio P23 hay các chip tầm trung của Huawei (Kirin 659) và Samsung (Exynos 7870).
Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị
Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý của CPU ở chế độ đơn lõi và đa lõi
Điểm Manhattan trên ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thực của máy (onscreen) và độ phân giải Full-HD tiêu chuẩn.
Tuy nhiên trong trải nghiệm thực tế, khá bất ngờ là hiệu năng của Redmi Note 5 lại không ấn tượng như những con số benchmark. Những cử chỉ trong khi sử dụng như thoát ứng dụng, quay lại… thường có độ trễ nhất định, đặc biệt nếu thoát game bằng cử chỉ máy còn bị khựng một lúc. Các hoạt động khác như mở ứng dụng, chụp ảnh, xử lý ảnh… thì mượt hơn nhưng đôi lúc vẫn bị lag, thậm chí có lúc app treo và tự thoát.
Trải nghiệm chơi game của máy cũng chưa được ổn định. Trong hai game nặng mà VnReview thường dùng để đánh giá hiệu năng là Dead Trigger 2 và Warhammer 40.000: Freeblade thì máy xử lý Dead Trigger 2 khá tốt, đạt mức khung hình ổn định gần 50 fps, chơi mượt và không bị giảm khung hình nhiều khi đông “quái”. Song với game Warhammer, máy lại chỉ đạt mức khung hình ngoài 30 fps, khi chơi cảm nhận được độ giật ở các cảnh có nhiều đối tượng cần xử lý.
Có lẽ Xiaomi vẫn chưa thực sự tối ưu tốt cho Snapdragon 636 – một chipset mới ra, dẫn đến kết quả không ấn tượng hơn mấy khi so với Snapdragon 625. Phía Xiaomi Việt Nam cho biết trong tháng Sáu này, hãng sẽ phát hành bản cập nhật cho Redmi Note 5 để tối ưu tốt hơn hiệu năng cho sản phẩm. Hy vọng khi có bản cập nhật, hiệu năng của máy sẽ có cải thiện tương ứng với sức mạnh phần cứng vốn có của sản phẩm.
Phần mềm
Redmi Note 5 hiện cài sẵn phiên bản MIUI 9.5 tùy biến dựa trên Android 8.1. Các điện thoại Xiaomi có đặc thù là các tính năng phần mềm cơ bản giống nhau giữa các máy, cả khi ở phân khúc giá khác nhau hoặc có thể dựa trên phiên bản Android khác nhau. Vì vậy, các tính năng của MIUI 9.5 trên Redmi Note 5 cũng tương tự bản MIUI 9.2 của chiếc Redmi 5 Plus mà VnReview có bài đánh giá gần đây.
Các thao tác cử chỉ thay thế các phím điều hướng tương tự iPhone X
Cập nhật đáng chú ý nhất là việc Xiaomi đã chính thức đưa vào các thao tác điều khiển bằng cử chỉ thay cho các phím điều hướng. Từ đó, các phím điều hướng ảo trên màn hình có thể hoàn toàn ẩn đi, giúp màn hình tràn viền thoáng đãng hơn. Cụ thể, người dùng sẽ vuốt từ cạnh dưới lên để về màn hình chính, vuốt lên và giữ để về màn hình đa nhiệm, vuốt từ cạnh vào để thay cho phím back tương tự như iPhone X.
Còn lại đều là những thứ đã quen thuộc với người dùng Xiaomi như ứng dụng kép để chạy 2 tài khoản game, Facebook hay Messenger song song; Tính năng không gian thứ 2 để tạo ra một phân vùng mới sử dụng đồng thời cho nhiều mục đích cá nhân; Mã hoá các ứng dụng cần đảm bảo sự riêng tư trên máy thông qua tính năng khoá ứng dụng bằng vân tay hay mật khẩu hình…
Xiaomi công bố danh sách ứng dụng tối ưu hoặc chưa tối ưu cho màn hình tỷ lệ 18:9
Do nhiều ứng dụng hiện tại chưa hỗ trợ tốt cho tỷ lệ màn hình 18:9, Xiaomi bổ sung tùy chọn cho phép ép các ứng dụng hiển thị ở tỷ lệ mới này. Với những ứng dụng chưa hỗ trợ tốt cho tỷ lệ 18:9 thì máy mặc định sẽ hoạt động ở tỷ lệ 16:9. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ép ứng dụng này hiển thị ở tỷ lệ 18:9 trong mục cài đặt. Bằng cách này hình ảnh sẽ bị phóng lớn nên có thể sẽ có những phần thông tin trên ứng dụng bị cắt mất.
Mời bạn đọc xem thêm bài đánh giá điện thoại Xiaomi gần đây như Redmi 5 Plus, Redmi 5Avà Mi Mix 2 để tìm hiểu chi tiết hơn về các tính năng phần mềm của hãng này.
Thời gian pin
Về pin, Redmi Note 5 có dung lượng 4.000 mAh, nhỏ hơn 100 mAh so với pin 4100 mAh của Redmi Note 4. Mặc dù có giảm chút ít so với thế hệ cũ, song dung lượng pin như vậy vẫn là khá lớn so với các smartphone tầm trung khác hiện nay thường chỉ ở mức 3000 – 3500 mAh.
Kết quả đo pin của VnReview với các bài test quen thuộc gồm xem phim, lướt web và chơi game cho thấy pin vẫn tiếp tục là thế mạnh của phiên bản Redmi Note mới. Cụ thể, thời pin của máy trội hơn nhiều khi so với các sản phẩm cùng tầm giá hoặc các máy tầm trung khác. Với kết quả này, người dùng có thể yên tâm về khoản pin của Redmi Note 5, kể cả những người dùng ở cường độ sử dụng cao.
Thời gian xem phim HD chép vào máy ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ lúc pin đầy đến lúc còn 10% thì dừng.
Thời gian lướt web qua mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình 70%, tính từ lúc pin đầy đến lúc còn 10% thì dừng.
Thời gian chơi game, cũng tính từ lúc pin đầy đến 10% thì dừng.
Theo thống kê của phần mềm AccuBattery trong hơn 1 tuần sử dụng thực tế, Redmi Note 5 có thời lượng sử dụng liên tục (onscreen), sử dụmg hỗn hợp và chờ (screen off) ở mức tốt. Cụ thể, máy trụ được 8h43 phút onscreen trong mỗi lần sạc (trung bình mỗi giờ onscreen hết 11,5% pin), gần 40 giờ ở chế độ sử dụng hỗn hợp và hao khoảng 0,9% pin ở chế độ chờ.
Điểm hạn chế về pin của máy là không có sạc nhanh, nên thời gian sạc khá lâu. Tổng thời gian sạc đầy của Redmi Note 5 hết khoảng 2 giờ 15 phút, trong đó 30 phút đầu chỉ sạc được khoảng 30% pin.
Camera
Redmi Note 5 sử dụng hệ thống camera kép, một camera độ phân giải 12MP (cảm biến Samsung kích cỡ điểm ảnh lớn 1.4μm, khẩu f/1.9 và hỗ trợ lấy nét pha kép) và một camera tele 5MP (khẩu f/2.2, kích cỡ điểm ảnh 1.12μm). Đây là điện thoại đầu tiên của dòng Redmi Note có camera kép phía sau. Ở mặt trước, camera tự sướng có độ phân giải 13MP.
Nhìn vào thông số, camera là nâng cấp rất lớn của Redmi Note 5 so với thế hệ Redmi Note 4 cũ và những sản phẩm cùng tầm giá của các hãng khác trên thị trường hiện nay. Đặc biệt là tính năng lấy nét pha kép có mặt trên Redmi Note 5 hiện thường chỉ xuất hiện trên các smartphone cận và cao cấp như Oppo F3 Plus, Galaxy S8 và S9 của Samsung (xem thêm bài viết về công nghệ lấy nét pha kép Dual Pixel tại đây).
Ứng dụng camera giống với các máy Xiaomi khác nhưng có thêm chế độ chụp chân dung. Giao diện camera của Xiaomi bây giờ bắt trước y hệt iPhone: các chế độ quay/chụp nằm bên dưới, chuyển đổi qua lại bằng cách trượt ngang và bên trên là chức năng bật tắt HDR, đèn flash và các hiệu ứng ảnh.
Như đã đề cập ở phần hiệu năng, trải nghiệm các tính năng phần mềm gồm cả ứng dụng camera của Redmi Note 5 hiện tại hoạt động chưa ổn định, tốc độ chụp và xử lý ảnh đôi lúc bị chậm, lag khá khó chịu. Tuy nhiên, vấn đề này có thể sẽ được nhà sản xuất cải thiện trong các bản cập nhật phần mềm tới.
Về chất lượng, ảnh chụp ở môi trường ban ngày có màu sắc tự nhiên, chi tiết và dải sáng khá. Chế độ HDR tự động cũng hoạt động hiệu quả với những ảnh chụp chênh và ngược sáng. Tuy nhiên, dải màu sắc của ảnh cho cảm nhận chưa no nên ở một số tình huống trông ảnh thiếu đi độ rực rỡ, sống động.
Ảnh chụp ở chế độ tự động
Ảnh ở chế độ HDR
Ở chế độ xóa phông, Redmi Note 5 sử dụng camera phụ và các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo hiệu ứng xóa phông, chứ không dùng phần cứng bằng camera tele như chiếc Xiaomi Mi A1. Tuy vậy, chất lượng xóa phông vẫn khá tốt. Ở điều kiện sáng ngoài trời và trong nhà có đủ ánh sáng đèn, các ảnh xóa phông cho ra phần hậu cảnh được xóa khá mịn, ít bị lẹm như các máy xóa phông không có camera tele như Huawei Nova 2i. Tương tự Mi A1, bạn không nên chụp ảnh xóa phông ở điều kiện ánh sáng yếu do ảnh dễ bị rung, nhiễu và hiệu ứng phông mờ nhạt, không ấn tượng như ở điều kiện đủ sáng.
Một số ảnh xóa phông chụp từ Xiaomi Redmi Note 5
Ở môi trường trong nhà và thiếu sáng, ảnh chụp của Redmi Note 5 cũng đã có cải thiện đáng kể so với thế hệ cũ hay so với chiếc Redmi 5 Plus gần đây. Ảnh chụp vẫn tái tạo được màu sắc tự nhiên, độ chi tiết và độ sáng đều rất ổn. Đặc biệt, chế độ HDR tự động tỏ ra hiệu quả ở những ảnh chênh sáng hoặc nguồn sáng phức tạp. Nước ảnh cũng khá trong trẻo với điều kiện bối cảnh chụp không quá thiếu sáng. Ở điều kiện ánh sáng cực thấp, Redmi Note 5 thường đẩy sáng của bức ảnh lên khá nhiều, chấp nhận nhiễu hạt.
Ảnh chụp ở chế độ tự động
Ảnh ở chế độ HDR có cải thiện đáng kể độ chi tiết giữa vùng sáng và tối.
Camera selfie với việc được nâng cấp lớn lên độ phân giải 13 MP (khẩu độ f/2.0, điểm ảnh 1.12µm) cho chất lượng cải thiện đáng kể so với các thế hệ trước. Tuy chỉ có 1 camera đơn nhưng Xiaomi vẫn tích hợp tính năng xóa phông bằng phần mềm. Chất lượng ảnh selfie rất tốt. Khi tắt hết các chế độ làm đẹp, ảnh chi tiết, sắc nét, màu sắc tái tạo trung thực, tương phản cao, dải sáng rộng. Tính năng xóa phông hoạt động hiệu quả, giúp ảnh selfie thêm phần ấn tượng, nổi bật với các hiệu ứng bokeh đẹp mắt. Thuật toán xóa phông ít lỗi, nhận diện được chính xác chủ thể và không xóa lẹm quá nhiều vào phần tóc.
Tính năng làm đẹp khuôn mặt trên Redmi Note 5 giúp che bớt được các khuyết điểm trên khuôn mặt nhưng vẫn “cà” mặt hơi quá đà, không còn giữ được sự tự nhiên. Bạn chỉ nên chọn mức làm đẹp thấp nhất để ảnh selfie không quá “ảo”.
Ảnh xuôi sáng: chế độ thông thường (trái) và xóa phông (phải)
Ảnh ngược sáng: chế độ thông thường (trái) và xóa phông (phải)
Ảnh từ camera trước ở chế độ thông thường (trái) và làm đẹp (phải)
Chế độ làm đẹp đôi lúc cà mặt khá mạnh, trông không còn tự nhiên nữa
Tổng kết
Redmi Note lâu nay là dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất của Xiaomi ở tầm giá thấp nhờ có thiết kế hợp lý, màn hình khá lớn, cấu hình mạnh so với giá và pin trâu. Trên phiên bản Redmi Note 5 mới, những đặc điểm này tiếp tục được kế thừa và cải thiện. Máy vẫn có thiết kế thân kim loại, màn hình lớn 6 inch với tỷ lệ 18:9 theo trào lưu, cấu hình cũng được nâng cấp, pin có thời lượng sử dụng tốt và giá vẫn rất “Xiaomi”.
Điểm nâng cấp sáng giá nhất ở thế hệ Redmi Note mới là camera trước và sau đều có chất lượng khá tốt, kể cả khi chụp thiếu sáng. Có thể nói Redmi Note 5 đã hóa giải được điểm yếu truyền thống của Xiaomi trên các máy giá thấp đó là “camera không được đánh giá cao”. Tuy nhiên, một điểm Xiaomi cần cải thiện ngay ở sản phẩm này là cập nhật phần mềm để tạo sự ổn định và tối ưu hiệu năng của máy. Thêm nữa, thiết kế cũng nên có thay đổi để có sự mới mẻ, nhất là phía mặt lưng.
Theo Vnreview.